Yang Lian và "Searching for Evil" - a species doesn't even deserve doomsday.

“Sự kiện này đã biến “Mẹ” trở thành từ nhơ bẩn nhất trong ngôn ngữ Trung Hoa.”

Người phụ nữ bị bắt cóc, tra tấn, cưỡng bức, phải sinh ra tám đứa con - Dương Luyện viết về chị với niềm đau xót.

Nhưng không phải vì thân thể hay tâm hồn chị bị vấy bẩn, cũng không phải chỉ vì sự băng hoại đạo đức của những đứa-con, những người-chồng đã đày đọa “mẹ” vào nơi bùn lầy khổ ải mà ông kết luận về sự vẩn đục của từ “Mẹ”. Từ “mẹ” tôn quý trở nên đáng kinh tởm chính bởi nó vẫn được cất lên trong hành vi đoạ đày, chôn vùi cội rễ của cả dân tộc ông. Từ “mẹ” của ngôn ngữ Trung Quốc, của con người Trung Quốc, hay của cả giống nòi?

Cánh chim Dương Luyện đã lang bạt từ năm 1989, cất tiếng kêu đanh thép trước những vấn đề văn học, chính trị, văn hoá thế giới. Ông sinh ở Thuỵ Sĩ, lớn lên tại Bắc Kinh. Cùng với Cố Thành, Bắc Đảo, Tích Xuyên,... ông là một nhân vật quan trọng của phái Mơ Hồ (朦胧诗人). Đây là một nhóm các nhà thơ Trung Quốc thế kỷ 20 đã phản ứng chống lại những hạn chế đối với nghệ thuật trong Cách mạng Văn hóa. Danh tính họ gắn liền với thân phận “bị lưu đày” - George Cai chỉ ra. Nhiều người trong số họ đã bị lưu đày khỏi chính Tổ quốc mình như Bắc Đảo khổ đau thổ lộ: “Tôi luôn lang thang và luôn thất bại”.


Yang Lian — The Empty Square


Hình tượng người mẹ xuất hiện tương đối nhiều trong thơ Dương Luyện, thấp thoáng bóng hình mẹ ông đã qua đời vào năm 1976 do những điều kiện khó khăn mà bà phải chịu đựng trong quá trình cải tạo lao động ở ngoại ô Bắc Kinh. Sự mất mát này cũng ảnh hưởng sâu sắc đến ông và là một trong những sự kiện thôi thúc ông sáng tác. Và “thi ca”, ông viết, “là ngôn ngữ mẹ đẻ duy nhất của chúng ta”.

Ở Auckland quay nhìn Thiên An Môn đổ máu, có phải Dương Luyện đã thấy lờ mờ bóng dáng người mẹ ấy thinh lặng nhỏ lệ?

Hàng chục năm lưu vong, người mẹ ấy càng hiện lên rõ ràng hơn, trên thân lấm láp nước mắt đồng bào ông.

2022, chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra cùng vụ việc người mẹ bị đày đọa với “cách đối xử theo truyền thống” của nông dân Trung Quốc khiến tiếng “Mẹ” linh thánh trở nên vô cùng mỉa mai. Khóc gọi “Mẹ” nhưng bản thân đang chà đạp lên “Mẹ”. Dựa dẫm vào “Mẹ” nhưng bản thân cưỡng bức “Mẹ”. Mong chờ “Mẹ” cho ra đời những đứa con ưu tú nhưng chính mình chây ì núp bóng quá khứ, bóp chết “Mẹ” mà miệng vẫn kêu đòi được mớm ăn. 

“mẹ         cái từ khiêm hạ nhất       cái từ bẩn thỉu nhất

dẫn đến những vệt máu khô sẫm lại thành lớp dày

và một buổi sáng chết lặng khác

nhìn thấy người mẹ ấy bị khóa chặt vào thứ tiếng mẹ đẻ bị băm vằm

nhìn thấy chính chúng ta bị khóa chặt trong hầm trú bom của nỗi hổ thẹn”

(“Đi tìm cái ác”, Hải Ngọc dịch)

(mother the humblest word the filthiest word

leads to layers of bloodstain strata

and another dumbstruck morning

watching her locked on a butchered mother-tongue

watching us locked in the bomb shelter of shame”

Khi viết bằng chữ Hán, Dương Luyện luôn để ý đến dạng văn tự chữ vuông của ngôn ngữ này. Ông để những khoảng trống gián cách giữa những dòng chữ thay vì dấu chấm, dấu phẩy. Thi ca cổ điển Trung Quốc cũng không dùng tới chấm phẩy mà nương nhờ vào nhịp điệu cố hữu của ngôn từ mà phân tách. Nhưng Dương Luyện không chừa lại khoảng cách chỉ để ngắt câu. Trả lời phỏng vấn (Đọc “Một toà thành lộn ngược”), ông đã thể hiện sự chú ý của mình tới cái xung khắc giữa giấy trắng và mực đen, tới vực thẳm không tưởng mở ra giữa hai bờ vuông vức: “những khoảng trống bên cạnh các ô vuông đen, bản thân chúng chẳng phải những con mắt chăm chú nhìn và chạm đến trí tuệ người hay sao?”

Nếu vậy, nhìn vào khoảng trống giữa “mẹ” và “cái từ khiêm hạ nhất”, với “cái từ bẩn thỉu nhất”, người đọc có thể thấy gì?
Có gì nơi con mắt đang lặng thầm quan sát kia?

Là đối cực hay tương đồng, là phủ định hay khẳng quyết, hay lờ bờ vực giữa sống và chết, âm và dương, giữa nhơ bẩn và trong sạch? Hay rốt cục chỉ là thinh lặng.

“mẹ”, ngậm căm như uất nghẹn. “cái từ khiêm hạ nhất”, “cái từ bẩn thỉu nhất”. Như giây phút ngưng lặng trong cơn mê sảng, là cú hớp hơi trong cơn hấp hối, là không thể tin. Không thể tin, vừa lạnh lùng tàn nhẫn, vừa đau xót khôn nguôi.

Người mẹ mà dòng giống chúng ta tưởng như đã phụng dưỡng bao nhiêu năm, thì ra đang khóc gào giãy giụa trong tay ta bấy lâu. Những điều nhân loại tin yêu tự khi nào cũng đã tan tành trong tội ác. Những đứa con tàn hại chính mẹ mình. Những con người huỷ hoại nền tảng sống của mình và huỷ diệt lẫn nhau. “Tôi mong cầu những bài thơ và trang văn của tôi có thể dựng nên một tòa lâu đài nơi tôi được ẩn mình ủ lấy hơi ấm và giữ lấy khuôn mặt lạnh lùng khi đối diện với thế giới”, Dương Luyện nói, nhưng trong tòa lâu đài ấy - toà lâu đài lộn ngược - ông căm phẫn cho sự bại hoại của giống nòi. Nếu Trung Hoa cũng thấp thoáng trong tiếng “mẹ” ưu tư kia, thì Dương Luyện là đứa con bên lề, lang bạt dõi theo bóng mẹ bằng sự căm hờn và tủi hổ. Không đến nỗi bị ruồng bỏ, nhưng nửa vời, không danh phận, người mẹ ấy trở nên ô uế dần trong bao nhiêu năm, ông không thể thõng tay đứng nhìn. Nỗi căm hờn của nhà thơ năm 1989, chính là ông khóc mẹ. Khóc cho tất thảy bạo tàn đã vuột khỏi kẽ tay và giáng xuống đồng loại. Khóc cho sự vô minh của đồng loại, sự đáng thương của đồng loại. Nỗi hổ thẹn khủng khiếp bị phơi bày: nỗi hổ thẹn của những đứa con hân hưởng máu xương người mẹ.

“một giống loài không thể cứu được các bà mẹ

giống loài ấy thậm chí còn chẳng đáng có ngày tận thế”

(a species that can’t save mothers doesn’t even deserve doomsday) 

““Biên giới” và “quốc tịch” là những mệnh đề sai lầm”, Dương Luyện nói. Bao nhiêu phân biệt, ruồng bỏ đều là lầm lạc. Không chỉ là người “Mẹ” Trung Quốc, mà người mẹ phổ quát, tiếng gọi mẹ của toàn nhân loại cũng đã bị vấy bẩn. Chúng ta không thể cứu được những bà mẹ, chúng ta không thể giữ được sự trong sạch của tiếng gọi ngấp nghé trên môi, mọi lời thốt ra đều như lời mai mỉa đáng tởm. Những tuyên ngôn lớn lao về dựng xây và bảo vệ thế giới chán ngán đến cùng cực, tiếng đồng bào sao nghe như ma quỷ réo gọi,  nghe như tiếng than van vĩnh viễn khổ đau, chúng còn chẳng giá trị bằng sự thinh lặng. Tiếng “Mẹ” sắp sửa thốt ra chỉ có thể nuốt nghẹn vào trong. Giày xéo một người mẹ không có sức kháng cự, ấy là tội ác. Nhưng thứ tội ác lớn đến mức khiến giống nòi này “chẳng đáng có ngày tận thế” chính là tội ác của sự bất lực lớn lao khi đứng trước cội nguồn đang vẫy vùng cầu cứu.

Trong một thi phẩm khác - “Những đứa trẻ bạo tàn” (Cruel Children) - Dương Luyện viết:

“Thù hận  liên tục trào dâng như da thịt phân rã

Một thỏi son dớp máu    không thể gột rửa

Những đứa trẻ nhảy múa

Với người mẹ được đeo nơi bàn chân

Như món đồ chơi yêu thích    bị huỷ hoại một cách cố ý

Như đôi tay ngon lành   kéo lê về phía tương lai chẳng hề mỏi mệt”

(“Hostility    flows increasingly like unformed flesh

A bloodstained lipstick    cannot be washed clean

Children dancing  

With mothers worn on their feet 

Like favourite toys    to be wilfully destroyed

Like tasty hands    untiringly dragged into the future “)

(Bản dịch Tiếng Anh của Mabel Lee)

Cớ sao ông cứ mãi viết về sự vong ân của những đứa con, với một hình dung điên dại và độc ác như thế? Cớ sao ông cứ viết về người mẹ dập nát và bị sỉ nhục như thế? Trong những khuôn mặt trẻ thơ đang quay cuồng nhảy múa kia liệu có tiết lộ gương mặt của chính ông? Dường như quẩn quanh đâu đó là mặc cảm sầu khổ của chính ông - người con không thể cứu được mẹ mình.

Với Dương Luyện, trần thuật thơ (đặc biệt trong thơ Trung Quốc) mang tính không gian, điều này khác với tiểu thuyết và kịch nơi trần thuật mở ra bằng thời gian. Ông kiến thiết chữ nghĩa thành một cấu trúc bền chắc với những mảng được khoét rỗng, đặt cố định như sự ngưng đọng giữa tiếng tích tắc của kim giây, sự ngưng đọng không thể thiếu trong sự vận động không ngừng tiến lên phía trước: “Thơ không xây dựng, nó trình bày thông qua môi trường tổng thể của ngôn ngữ”, “cụ thế, lớp đầu tiên là hình ảnh, lớp thứ hai là mối quan hệ giữa các hình ảnh trong câu, lớp thứ ba là cấu trúc tổng thể bao trùm các câu.” Đọc thơ Dương Luyện, như thể ta ăn củ sen trong bài haiku nọ, ăn trọn những khoảng trống. Những nhà thơ Mơ Hồ “có xu hướng mở ra một không gian diễn giải rộng rãi cho độc giả và nhà nghiên cứu thông qua chủ nghĩa hình ảnh mơ hồ (obscure imagism) và những chủ đề mơ hồ trong thơ của họ.”, George Cai viết. Sự mơ hồ ấy, khoảng trống giữa các chữ, sự yên tĩnh vô đối lại làm dậy lên bạt ngàn bão tố.

Để ta hiểu rằng: đừng quên. Viết, để không quên, và đọc để nhớ. Dương Luyện xưng tội cho cả giống nòi và có lẽ chính ông tìm về thơ ca trong một nỗ lực khôn cùng muốn cứu được tiếng “Mẹ” linh thánh đã mất đi khi mẹ ông từ trần và ông từ biệt xứ sở, thứ tiếng mẹ đẻ còn sót lại, ông tìm thấy nó trong thi ca.  Để dù không ngăn được ngày từng ngày những “mankurt” vong ân được khai sinh và nhổ bọt vào đất mẹ như khi xưa Aitmatov lo ngại, dù không được xá tội - thứ tội lỗi kinh khủng, thì ta vẫn có thể được sự vong ân của bản thân. Trong thinh lặng ta tìm lại chính mình, cái khoảnh khắc kim giây dịch chuyển từ con số đen này sang con số đen khác là vô vàn căm giận và thương xót. 

Đi tìm cái ác. Còn tìm đâu xa khi cái ác đã nằm ở đây. Nhưng vì thế mới phải tiếp tục tìm, để nhận ra dù gần kề đến vậy, nhưng chưa bao giờ ta nhận thấy tầm vóc tuyệt đại của cái ác, sức mạnh khôn cùng của nó, sự bạo tàn của nó. Và tìm, bởi ta phải biết chính cái ác đang nghiến ngấu tiếng “mẹ”. Phải dừng nó lại, không được quên hình ảnh mẹ mình bị làm cho nhơ nhúa, nghe ngây thơ xiết bao.

Nhưng ta còn có thể làm được gì hơn ngoài cố gắng, dầu tuyệt vọng, để cứu lấy mẹ mình giữa cái hoang tàn của thời đại - người mẹ đang vẫy vùng kêu cứu với đôi mắt thảm thương. Cứu lấy Người, để cuối cùng thây kệ bao tội lỗi ta mang, ít nhất, dòng giống con người sẽ không còn là dòng giống những kẻ giết mẹ và ít nhất được xứng đáng với Tận thế.


  1. Bản dịch “Đi tìm cái ác”: https://hieutn1979.wordpress.com/2023/04/17/duong-luyen-di-tim-cai-ac/

  2. Chủ nghĩa tưởng tượng (imagism), chủ nghĩa hiện đại và hơn thế: https://sites.udel.edu/britlitwiki/imagism-and-modernism-and-beyond/

  3. https://web.archive.org/web/20050209161845/http://www.boxun.com/hero/yanglian/8_1.shtml

  4. George Cai, Touching the “Transparent Sorrows”: Misty Poetry and the Identity of Post-Cultural-Revolution Poets 

  5. Yang Lian’s Exilic Poetry: World Poetry, Ghost Poetics, and Self-dramatization by Qing Liao  

  6. https://themarkaz.org/yang-lian


0 Kudos

Comments

Displaying 0 of 0 comments ( View all | Add Comment )